Lịch sử Bánh_mì_Việt_Nam

Nguồn gốc

Khởi thủy của bánh mì Sài Gòn cũng như tất cả bánh mì ổ ở Việt Nam chính là từ món bánh baguette do người Pháp mang đến trong những năm đầu thế kỷ 19.[5][11][12][13] Khi ấy, họ đã cho xây dựng những lò bánh mì gạch đầu tiên tại Việt Nam,[5] với lò thứ nhất nằm tại phố Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền).[14] Hầu hết những người Pháp đến Việt Nam đều không muốn làm công việc vất vả nhưng lại ít tiền như làm bánh mì. Do đó, các lò bánh mì ở quốc gia này phần lớn thuê thợ người bản địa hoặc Trung Quốc, nhưng họ thường làm việc ở phía sau để khách hàng không biết ai là người làm bánh.[9] Erica Peters, một cây viết chuyên về ẩm thực Việt Nam, cho biết: "Đến năm 1910, những chiếc bánh mì baguette nhỏ, hay còn gọi là "petit pain" được bán trên đường phố và người Việt hay mua trên đường đi làm để ăn sáng".[15]

Ban đầu, miền Bắc gọi baguette là bánh tây,[16][17][18] còn miền Nam thì gọi là bánh mì.[19] Thời đó, việc chuyển thực phẩm từ Pháp đến là điều không khả thi, nên người Pháp buộc phải đưa các loài vật nuôi và cây trồng vào Việt Nam hòng đảm bảo rằng sữa, cà phê cùng các loại thịt khác có sẵn để tiêu thụ. Thế nhưng, lúa mì lại không thể nào trồng được ở Việt Nam.[20] Do giá cả lúa mì nhập khẩu vào thời điểm đó quá cao nên bánh mì baguette của Pháp là một mặt hàng xa xỉ đối với người bản xứ.[17] Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng từng nhắc đến bánh mì trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc năm 1861, ở câu "...sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ".[21] Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, một làn sóng binh lính Pháp và vật tư đã đặt chân đến đất nước Việt Nam. Đồng thời, việc nhập khẩu lúa mì bị gián đoạn khiến các nhà sản xuất bánh bắt đầu trộn bột gạo rẻ tiền, làm cho bánh mì mềm hơn. Do đó, ngay cả người Việt Nam bình thường cũng có thể thưởng thức các mặt hàng chủ lực của Pháp như bánh mì.[19][22][23] Do đặc điểm khí hậu Việt Nam, bánh mì có xu hướng mau hư hơn nên nhiều cửa hàng thường nướng bánh hai lần một ngày. Mọi người chủ yếu ăn bánh baguette vào bữa sáng với một ít và đường.[24]

Biến tấu và phổ biến

Món bánh có nguồn gốc từ Pháp này đã trở nên phổ biến và được nhiều người ưa thích,[16][17] đồng thời còn xuất hiện nhiều trên các mặt báo.[25][26] Sau đó, người Sài Gòn đã biến tấu bánh baguette lại thành bánh mì đặc trưng của Việt Nam với chiều dài chỉ khoảng 30–40 cm.[5][9] Bánh mì Việt Nam chỉ thật sự định hình khi cửa hàng Hòa Mã của ông Hòa, bà Tịnh xuất hiện năm 1958. Do bà Tịnh đã từng làm cho hãng thịt nguội chuyên cung cấp sản phẩm cho các nhà hàng Pháp ở Hà Nội, nên khi vào Sài Gòn, hai người đã mở cửa hàng bán bánh mì, thịt nguội phục vụ cho người bản xứ. Sau đó, họ nghĩ ra cách kẹp thịt, chả lụa cùng pa tê vào giữa ổ bánh để người mua tiện mang theo.[5][27][28] Vào khoảng thời gian này, một người di cư khác từ miền Bắc bắt đầu bán bánh mì chả cá bằng giỏ trên xe mobylette,[29] còn một quầy hàng ở tỉnh Gia Định thì bắt đầu bán bánh mì phá lấu.[30] Một số cửa hàng khác thì nhồi bánh mì với pho mát Cheddar rẻ tiền từ cuộc viện trợ lương thực của Pháp.[24]

Theo Tiến sĩ Vũ Thế Long, bánh mì xuất hiện đầu tiên ở Hà Nội, sau đó du nhập vào Sài Gòn rồi đến những nơi khác ở Việt Nam.[31] Lúc ấy, những lò bánh mì và cơm Tây, cà phê, thuốc lá… phổ biến ở Sài Gòn hơn là các tỉnh thành miền Trung và miền Bắc. Thậm chí, mãi cho đến trước năm 1975 thì bánh mì ở Sài Gòn vẫn được phổ cập và đa dạng hơn so với các vùng miền khác.[17] Theo thời gian, bánh mì đã có mặt ở đủ ba miền Việt Nam, được cải biên để làm vừa lòng đa dạng thực khách: ruột ngày một xốp và mỏng, vỏ ngày càng dày lên, kích cỡ bánh cũng nhỏ lại gấp 2–3 lần để tiện mang đi.[5]

Những sự biến đổi về hình thức cũng như chất lượng đến cách chế biến phong phú cho bánh mì đã nói lên nhu cầu ẩm thực cầu kỳ của người Sài Gòn. Trước năm 1975, với chương trình tài trợ của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, Bộ Giáo dục đã có chương trình cung cấp bữa ăn nhẹ cho các trường tiểu học tư thục và công lập.[12] Bữa ăn này gồm có sữa, do hãng sữa Foremost cung cấp, và bánh mì do các lò tiếp ứng.[32] Vào năm 1970, những lò nướng bánh mì bằng củi được chuyển thành lò gạch lớn hơn để nướng được nhiều bánh một lúc. Đây là loại lò đóng kín, cho phép giữ lại hơi nước khi nướng bánh. Ở nhiệt độ cực cao và hơi nước cực nhiều, chiếc bánh mì trở nên rỗng ruột hơn, ruột bông xốp trong khi lớp vỏ ngoài thì giòn rụm.[7]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bánh_mì_Việt_Nam http://www.balesandwich.com/our-story http://www.nydailynews.com/archives/lifestyle/east... http://www.oxforddictionaries.com/definition/banh+... http://www.sandiegouniontribune.com/business/touri... http://www.vietworldkitchen.com/blog/recipes-banh-... http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/artic... http://online.wsj.com/article/SB100014240527487035... http://citypaper.net/articles/2006-07-20/food6.sht... http://www.wqed.org/tv/natl/sandwiches/index.shtml http://wwno.org/post/vietnamese-po-boy